Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định thành lập Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội.
Ngày 26/12/2016, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã có quyết định sáp nhập Trường Trung cấp Kinh tế – Kĩ thuật đa ngành Sóc Sơn vào Trường Đại học Thủ đô Hà Nội,
Theo nội dung trong Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2015 - 2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 71/QĐ-ĐHTĐHN ngày 25 tháng 01 năm 2016) nhấn mạnh: "Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là đơn vị sự nghiệp đào tạo, là trường đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thuộc quyền quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo".
Theo đó, sứ mạng của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội: "Kết nối, phát triển truyền thống của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến bằng việc theo đuổi các hoạt động đặc thù với chất lượng vượt trội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước".
Tầm nhìn của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội: "Đến năm 2025, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành một những trường đại học đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng hàng đầu của quốc gia; từng bước chuyển đổi sang mô hình đại học nghiên cứu, đa ngành, đa cấp, có uy tín cao trong khu vực và thế giới".
Hiện tại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền là Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Hội đồng trường là Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường.
Nhà trường lý giải về việc thay đổi trong thống kê giáo sư
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong ba năm học gần đây, nhiều ngành của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có sự gia tăng về quy mô đào tạo.
Ngành Giáo dục Tiểu học, năm học 2020-2021 có quy mô đào tạo là 617 sinh viên và đến năm học 2022-2023 là 849 (tăng khoảng 37%); ngành Quản lý Giáo dục từ 107 lên 147 (tăng 37%); Quản trị khách sạn từ 291 lên 406 (tăng 39%)...
Về nội dung này, theo văn bản trả lời của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội do Hiệu trưởng là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền ký nêu, trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc giao chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm, việc giao chỉ tiêu được dựa trên rất nhiều tiêu chí như: tỉ lệ tuyển sinh của năm trước liền kề, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, năng lực đào tạo của các trường, nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội, việc đặt hàng, giao nhiệm vụ của các địa phương...Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng được giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành Giáo dục Tiểu học dựa trên những tiêu chí ấy.
Theo tìm hiểu của phóng viên tại báo cáo 3 công khai năm học 2020-2021, ở Biểu Tổng hợp một số thông tin công khai của cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng năm học 2020-2021, trường kê có 1 giáo sư.
Biểu Tổng hợp một số thông tin công khai của cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng năm học 2020-2021, trường kê có 1 giáo sư. |
Tuy nhiên, đến bảng thông báo Công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng năm học 2020-2021 thì không có giáo sư.
Theo đó, nhà trường kê có 6 phó giáo sư; 61 tiến sĩ; 168 thạc sĩ và 7 giảng viên trình độ đại học. Trong đó, giảng viên của Khoa Sư phạm chiếm số lượng đông nhất với 76 (19 tiến sĩ, 56 thạc sĩ, 1 đại học), tiếp đến là khoa Khoa xã học và nhân văn với 39 (4 phó giáo sư, 14 tiến sĩ và 21 thạc sĩ).
Báo cáo ba công khai thống kê về đội ngũ giảng viên cơ hữu năm học 2020-2021. (Ảnh: cắt màn hình) |
Theo báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022, trong thông báo công khai thông tin về đội ngũ nhà trường đã có giảng viên cơ hữu là 1 giáo sư ngành Công nghệ thông tin; 7 phó giáo sư; 82 tiến sĩ; 177 thạc sĩ và 4 đại học. Năm học này, nhà trường đào tạo 4 khối ngành (I, III, V, VII) với 24 ngành.
Theo như nội dung báo cáo ba công khai năm học 2021-2022, nhà trường có 1 giáo sư ngành Công nghệ thông tin. Cũng trong năm học này, nhà trường có thông tin về việc nhà trường được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai (phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai) đặt hàng 100 sinh viên giáo dục tiểu học. |
Đến năm học 2022-2023, nhà trường không có giáo sư, số lượng phó giáo sư tiếp tục tăng thêm 3 lên tổng số 10, tăng 3 tiến sĩ lên 85, tăng 31 giảng viên có trình độ thạc sĩ lên 221 và tăng 12 giảng viên có trình độ đại học lên 16.
Phúc đáp bằng văn bản liên quan đến nội dung số lượng giáo sư, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Đơn vị không có giáo sư về công nghệ thông tin". Đồng thời nhà trường đề nghị phóng viên xem lại và cho biết nguồn thông tin này.
Ngày 13/12, phóng viên gửi lại thông tin hình ảnh để nhà trường kiểm tra và trường lại khẳng định đơn vị có 1 giáo sư và hiện đã nghỉ hưu.
Cụ thể, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội thông tin, nhà trường có nhiều biểu mẫu tổng hợp như báo cáo ba công khai, đề án tuyển sinh, công khai thông tin cơ sở giáo dục đại học - cao đẳng.
Cụ thể, báo cáo ba công khai năm học 2020-2021 của nhà trường là 242 giảng viên của các khoa nên không có kê khai giáo sư. Còn tại bảng biểu Tổng hợp một số thông tin công khai của cơ sở giáo dục đại học năm học 2020-2021 kê khai cả giảng viên ở khối phòng ban, lãnh đạo nhà trường với 274 giảng viên, trong đó có 1 giáo sư là thầy Đặng Văn Soa khi đó vẫn đang công tác thuộc khối lãnh đạo nhà trường.
Đến năm 2021-2022, báo cáo ba công khai nêu có 1 giáo sư là do việc thay đổi biểu mẫu báo cáo ba công khai so với năm học 2020-2021.
Sinh viên chưa có việc làm do "chưa có nhu cầu xin việc; đang học nâng cao trình độ"
Theo báo cáo 3 công khai năm học 2020-2021 của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp của một số ngành khóa học 2017/tốt nghiệp năm 2021 như Giáo dục tiểu học D2017 CLC, Việt Nam học D2017 và Luật D2017 đều tốt nghiệp sớm chiếm tỷ lệ tuyệt đối là 100%.
Tuy nhiên, số liệu về một số ngành tốt nghiệp sớm khiến người đọc khó hiểu như Việt Nam học D20217 (tốt nghiệp sớm) có 44 sinh viên nhưng chỉ có 7 em tốt nghiệp sớm; hay như Luật D2017 có 76 sinh viên nhưng chỉ có 21 sinh viên tốt nghiệp sớm.
Tỷ lệ sinh viên (niên khóa 2017 -2021) có việc làm sau một năm tốt nghiệp. (Ảnh cắt màn hình) |
Trả lời về nội dung trên, nhà trường thông tin, theo quy chế đào tạo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua, tinh thần chung của việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ là tối đa hoá khả năng của người học. Vì vậy, dựa trên chương trình đào tạo đã được thiết kế, người học có thể xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với khả năng cá nhân. Do vậy, mặc dù trong cùng một lớp, cùng một khoá học, sinh viên có thể tốt nghiệp tại các thời điểm khác nhau.
Để tạo điều kiện cho sinh viên có thể tối đa hoá khả năng học tập của mình, thay vì trước đây, nhà trường chỉ tổ chức xét tốt nghiệp một lần/năm thì bây giờ nhà trường có thể xét tốt nghiệp đến 6 lần/năm để sinh viên có thể tốt nghiệp bất cứ lúc nào mà sinh viên đã tích lũy số lượng tín chỉ đầy đủ của chương trình đào tạo.
Theo báo cáo 3 công khai năm học 2021 - 2022, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp của ngành Giáo dục công dân (Đại học) thấp nhất trong bảng kê với tỷ lệ 85,71%.
Trích báo báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022. |
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, theo báo cáo 3 công khai năm học 2022 - 2023, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm của ngành Giáo dục công dân có xu hướng giảm, tỷ lệ này là 81,81 %.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường thấp trong bảng kê này là ngành Sư phạm lịch sử (Đại học) 80%.
Phóng viên Tạp chí đã đặt câu hỏi về ngành có tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp thấp như vậy, theo khảo sát của nhà trường nguyên nhân do đâu. Trong văn bản do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền trả lời nêu: "Nhà trường thực hiện khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau một năm tốt nghiệp, kết quả thu được dựa trên số lượng thực tế người tham gia trả lời khảo sát. Theo kết quả khảo sát, hầu hết những sinh viên trả lời “Chưa có việc làm” với các lí do là: Chưa có nhu cầu xin việc làm; đang học nâng cao trình độ"".
Mạnh Đoàn (Nguồn: giaoduc.net.vn)