Kinh doanh quốc tế và Kinh doanh thương mại được đánh giá là những ngành học khá triển vọng trong thời kỳ hội nhập như hiện nay. Tuy nhiên nhiều người băn khoăn không biết phân biệt hai ngành học này để có sự lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp tương lai.
Tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế, Huỳnh Thị Thủy Tiên (sinh năm 2000, Đà Nẵng) hiện đang đảm nhận vị trí nhân viên kinh doanh khách hàng trọng điểm tại một tập đoàn ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Chia sẻ về lý do chọn theo đuổi ngành học này, Thủy Tiên cho hay: "Đây là ngành học yêu cầu nhiều kỹ năng quan trọng liên quan đến phát triển kinh doanh, xử lý nghiệp vụ ngoại thương. Bên cạnh đó, tôi cũng yêu thích Tiếng Anh nên khi chọn ngành này thì có thể vận dụng nhiều cho ngành học và công việc.
Trong quá trình học, tôi nhận ra là sinh viên Kinh doanh quốc tế phải có kĩ năng thích nghi linh hoạt với nhiều phương pháp học hiện đại, vì ngành yêu cầu phải có kiến thức về Logistics, thanh toán quốc tế, nghiệp vụ ngoại thương... Sinh viên cũng nên có tư duy mở để tiếp thu nhiều kiến thức, văn hóa cũng như tuy duy linh hoạt, logic để giải quyết vấn đề liên quan đến chuyên môn".
Về mức lương của nhân sự ngành này, theo Thủy Tiên, mức khởi điểm thấp nhất là từ 10 triệu đồng/ tháng. Sau khi có kinh nghiệm thì mức thu nhập cũng sẽ tăng thêm. Đặc biệt, khi "đầu quân" cho doanh nghiệp, nhân sự được đào tạo thêm để phù hợp với yêu cầu và tính chất công việc riêng. Tiên cho rằng, với thời gian 2 tháng là có thể làm việc độc lập.
Còn Nguyễn Thị Thanh Mai (sinh viên năm cuối ngành Kinh doanh thương mại) chia sẻ, đây là ngành học luôn có sự phát triển liên tục, gắn liền với kinh tế nội địa cũng như quốc tế. Mai nhận định, học ngành này sẽ có rất nhiều cơ hội để tìm kiếm được công việc mơ ước, phù hợp với người hướng ngoại.
"Là một người trẻ năng động, sáng tạo, thích đổi mới, tôi đã lựa chọn theo đuổi ngành Kinh doanh thương mại. Những môn chuyên ngành tôi được học đều rất thực tế và cởi mở. Các thầy cô luôn tạo điều kiện cho sinh viên thỏa sức sáng tạo, tìm hiểu. Nhiều môn học mới được thêm vào chương trình, lộ trình học luôn cập nhật để kịp thời với thị trường thương mại luôn biến động.
Trong các môn chuyên ngành, sinh viên luôn được tạo điều kiện để liên kết với doanh nghiệp nghiên cứu và phân tích. Vì vậy sau khi ra trường phần nào đó chúng tôi đều có sự nhanh nhạy và thích ứng nhất định với môi trường lao động. Ngoài ra, các kỹ năng quan trọng như phản biện, phân tích, tư duy sáng tạo, xử lý tình huống... cũng được rèn luyện xuyên suốt quá trình học", Thanh Mai cho biết.
Thanh Mai chia sẻ, theo học Kinh doanh thương mại, sinh viên có cơ hội được tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp - dù theo cách gián tiếp hay trực tiếp. Các case study (phương pháp nghiên cứu ứng dụng chuyên sâu lý thuyết cho một trường hợp, sự kiện đã xảy ra) của các doanh nghiệp luôn được đưa ra làm ví dụ và phân tích. Ở nhiều môn học, sinh viên còn được tham gia các chuyến đi thực tế để nắm bắt rõ hơn quy trình làm việc tại doanh nghiệp.
Thanh Mai dẫn ví dụ, ở môn Phân tích và thiết kế quy trình kinh doanh, sinh viên được tham quan nhà máy để hiểu thêm về quy trình sản xuất, nhập kho, xuất kho... Ngoài ra những môn học khác như Quản trị bán lẻ, người học phải tìm kiếm và liên kết trực tiếp với doanh nghiệp để nghiên cứu báo cáo về quy trình bán hàng hay quản lý hàng hóa. Hay ở môn Tư duy thiết kế và trải nghiệm khách hàng, sinh viên được đi đến tận doanh nghiệp để trải nghiệm, từ đó tư duy và tiến hành nghiên cứu cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Sau khi tốt nghiệp, Thanh Mai mong muốn tìm được công việc chuyên môn ở các vị trí như chuyên viên bán hàng, quản lý hàng hóa, quản lý quan hệ doanh nghiệp... Với những gì đã được đào tạo ở trường đại học và những kỹ năng được rèn luyện, Mai tự tin sẽ có được công việc ưng ý với mức lương xứng đáng.
Để có thêm thông tin cụ thể hơn về hai ngành học nêu trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phi Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng (sau đây gọi là Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Liên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam.
Chương trình đào tạo Kinh doanh quốc tế và Kinh doanh thương mại có gì khác nhau?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phi Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, Kinh doanh quốc tế và Kinh doanh thương mại đều là những ngành cung cấp cho sinh viên kiến thức nền tảng về khoa học xã hội, kinh tế và kinh doanh phục vụ cho các hoạt động kinh doanh trong môi trường cạnh tranh hiện tại. Tuy nhiên, hai chương trình này có hai định hướng khá riêng biệt.
Từ năm 2022, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng bắt đầu tuyển sinh chương trình đào tạo cử nhân Kinh doanh quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh. Ảnh: NTCC
Theo thầy Phi Anh, chương trình Kinh doanh quốc tế nhấn mạnh vào việc cung cấp các kiến thức và kỹ năng chuyên ngành phù hợp cho nhân sự làm việc và quản lý các tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế, đặc biệt là lĩnh vực ngoại thương. Trong khi đó, chương trình Kinh doanh thương mại là đào tạo nhân lực chất lượng cao từ cấp tác nghiệp đến các nhà quản trị các doanh nghiệp thương mại hay phụ trách các hoạt động thị trường của các doanh nghiệp sản xuất, cả trong môi trường kinh doanh truyền thống lẫn thương mại điện tử.
"Hai ngành này có mối liên hệ chặt chẽ và có một khối lượng học phần chung, tuy nhiên các nội dung hướng đến các năng lực nghề nghiệp tương đối khác nhau. Chương trình đào tạo ngành Kinh doanh thương mại tập trung vào năng lực quản trị và triển khai các hoạt động cung ứng sản phẩm, phát triển mạng lưới phân phối, mở rộng thị trường, quản trị khách hàng, marketing và bán hàng,... Các hoạt động này trang bị cho người học hệ thống kiến thức, kỹ năng triển khai và khả năng tổ chức các hoạt động thị trường và trải nghiệm khách hàng, phần cốt lõi của bất cứ hoạt động kinh doanh nào.
Đặc biệt, chương trình đào tạo ngành Kinh doanh thương mại hiện nay đã được cập nhật, điều chỉnh thích ứng với môi trường thương mại mở toàn cầu, thương mại số và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong khi đó, ngành Kinh doanh quốc tế hướng đến trang bị cho sinh viên nền tảng vững chắc về các nguyên tắc kinh doanh cơ bản cùng sự hiểu biết sâu rộng về cách thức hoạt động của thị trường toàn cầu. Sinh viên sẽ được học cách phân tích các xu hướng kinh tế, hiểu biết về các thách thức và cơ hội trong môi trường kinh doanh quốc tế, đồng thời phát triển kỹ năng lập kế hoạch và triển khai chiến lược kinh doanh hiệu quả trên phạm vi quốc tế. Ngoài ra, chương trình còn nhấn mạnh vào việc phát triển kỹ năng giao tiếp và đàm phán, giúp sinh viên có thể làm việc hiệu quả trong một môi trường đa văn hóa", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phi Anh thông tin.
Theo thầy Phi Anh, công tác tuyển sinh hai ngành học này tại Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng có sự thuận lợi do tính chất nghề nghiệp của ngành học phù hợp với quá trình hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và thế giới, phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế hiện tại trong đó tỷ trọng hoạt động dịch vụ, thương mại luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các doanh nghiệp hoạt động.
Cùng trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Liên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam nhận định, nếu chỉ đọc tên ngành Kinh doanh quốc tế và ngành Kinh doanh thương mại, nhiều phụ huynh, học sinh có thể nhầm lẫn giữa hai ngành này. Để phân biệt, đầu tiên cần hiểu rõ khái niệm từng lĩnh vực của mỗi ngành.
Theo cô Liên, Kinh doanh quốc tế bao gồm tất cả các hoạt động kinh doanh thương mại giữa các quốc gia nhằm thúc đẩy chuyển giao hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, tài nguyên, con người, ý tưởng và công nghệ. Đây là lĩnh vực mang tính toàn cầu, bao gồm các chiến thuật, cách thức quản trị, chiến lược kinh doanh được xây dựng giữa các doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức kinh tế, theo các hiệp định thương mại đã được ký kết.
Kinh doanh thương mại bao gồm tất các các hoạt động quản lý kinh doanh và hoạt động thương mại, cả trong nước và quốc tế. Các lĩnh vực nghiên cứu của kinh doanh thương mại khá bao quát và rộng, gồm có quản lý kinh doanh, marketing và quảng cáo, tài chính doanh nghiệp, thương mại điện tử, logistics…
Như vậy, ngành Kinh doanh quốc tế tập trung vào giải quyết các vấn đề kinh doanh thương mại có yếu tố quốc tế. So với ngành Kinh doanh thương mại thì ngành Kinh doanh quốc tế chuyên sâu hơn, tập trung giải quyết triệt để trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về kinh doanh quốc tế, kinh tế quốc tế, nghiệp vụ ngoại thương…, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cho doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Liên cho biết thêm: "Chương trình đào tạo ngành Kinh doanh quốc tế tại trường Đại học Đại Nam trang bị cho người học những kiến thức chuyên môn nghề nghiệp về kinh doanh quốc tế hiện đại với các nội dung như kinh doanh quốc tế, thương mại quốc tế, kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương, xuất nhập khẩu, đầu tư quốc tế, đàm phán kinh doanh quốc tế, thanh toán quốc tế….
Bên cạnh năng lực chuyên môn, người học được trang bị các kỹ năng tiếng Anh, tin học và kỹ năng mềm để có thể đảm nhận được ngay một vị trí chuyên môn nghiệp vụ và sau đó là các vị trí quản lý cấp cơ sở, cấp trung đến cấp cao trong các doanh nghiệp, ngân hàng, dễ dàng thích nghi với sự thay đổi của môi trường làm việc năng động và phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Chương trình đào tạo có nhiều hoạt động thực tiễn tại các nhà máy sản xuất, trung tâm logistics, cảng biển, chi cục hải quan… nhằm giảm bớt khoảng cách giữa lý thuyết với thực tiễn, giúp sinh viên có cái nhìn rõ nét hơn về ngành học.
Còn đối với chương trình đào tạo ngành Kinh doanh thương mại, bên cạnh các môn học đại cương, người học sẽ được đào tạo về chuyên ngành thông qua các môn học như quản trị doanh nghiệp thương mại, kinh tế hải quan, thương mại điện tử... Sau đó đào tạo theo định hướng như Marketing, thị trường, phân tích tài chính, quản lý bán hàng, xuất – nhập kho, quản trị bán lẻ…".
Đẩy mạnh liên kết hợp tác với doanh nghiệp, tăng cơ hội thực hành cho sinh viên
Chia sẻ về điều kiện cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên của hai ngành này tại trường, cô Liên cho biết, Trường Đại học Đại Nam chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đồng thời tập trung liên tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên để phục vụ tốt nhất cho người học.
Sinh viên Khoa Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Đại Nam trong một buổi thực hành nghề nghiệp. Ảnh: Website nhà trường.
"Hệ thống giảng đường, phòng máy tính, trung tâm khởi nghiệp, thư viện, khu thao trường quốc phòng an ninh... hiện đại, đầy đủ tiện nghi đáp ứng tốt nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học. Nhà trường có hệ thống E.Learning cung cấp các bài giảng điện tử, các bài báo khoa học…, thuộc nhiều chuyên ngành giúp sinh viên học tập đạt kết quả tốt nhất. Các học phần chuyên ngành được thực hành mô phỏng trên máy tính tại trung tâm thực hành, cũng như tại các doanh nghiệp, tập đoàn tiên tiến. Nhà trường đã phối hợp với hơn 100 doanh nghiệp đối tác liên kết hợp tác để sinh viên có môi trường trải nghiệm, thực tập thực tế và làm việc ngay từ năm thứ hai.
Đội ngũ giảng viên của nhà trường đều là các thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm thực tế, được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, đội ngũ cố vấn, chuyên gia là những chủ doanh nghiệp, nhà quản lý doanh nghiệp tham gia giảng dạy và đào tạo "thực chiến" cho sinh viên", cô Liên nhấn mạnh.
Còn tại Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, thầy Phi Anh cho hay, nhà trường xây dựng đội ngũ giảng viên mạnh về chuyên môn, giỏi về kỹ năng; đi đôi với công tác hoàn thiện cơ sở vật chất hiện đại, tiệm cận với tiêu chuẩn của các hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới.
"Về đội ngũ giảng viên, 91% giảng viên khoa Kinh doanh quốc tế đều tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ từ các trường đại học tiên tiến trên thế giới.
Đối với chương trình cử nhân Kinh doanh quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, nhà trường ưu tiên bố trí giảng viên nước ngoài để sinh viên có thêm những trải nghiệm quốc tế trong quá trình học tập. Đối với ngành Kinh doanh thương mại, nhà trường tập trung đầu tư nguồn lực con người để phát triển ngành này với các giảng viên được đào tạo từ các nước phát triển, trong đó có 40% có trình độ tiến sĩ. Đặc biệt, ngành Kinh doanh thương mại nằm trong Khoa Thương mại điện tử nên có sự chia sẻ cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn của các đội ngũ chuyên về Thương mại điện tử, Khoa học dữ liệu và với các chuyên gia từ các doanh nghiệp", thầy Phi Anh khẳng định.
Vị trí việc làm, cơ hội thăng tiến của nhân sự hai ngành
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Liên nhìn nhận, cử nhân ngành Kinh doanh quốc tế có cơ hội phát triển bản thân với các vị trí công việc cụ thể như: Chuyên viên kinh doanh, phát triển thị trường tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty xuất nhập khẩu; chuyên viên xuất nhập khẩu tại các công ty đa quốc gia, công ty giao nhận ngoại thương, công ty kinh doanh xuất nhập khẩu; chuyên viên thanh toán quốc tế tại các ngân hàng trong và ngoài nước, các công ty kinh doanh ngoại tệ; chuyên viên thực hiện các gói dự án điều tra, giám sát, tổng hợp dữ liệu làm cơ sở lập quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, các loại hình kinh doanh quốc tế. Hoặc làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng hoặc tự thành lập doanh nghiệp...
Còn cử nhân ngành Kinh doanh thương mại có thể đảm nhận các công việc như: Nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước; chuyên viên marketing, truyền thông, chăm sóc khách hàng, phụ trách bộ phận thu mua trong doanh nghiệp, quản lý kho bãi, phụ trách hoạt động xuất nhập khẩu. Hay làm các công việc liên quan đến giảng dạy, các công việc đào tạo về Kinh doanh thương mại.
"Mức lương khởi điểm của cả hai ngành khoảng 10 – 12 triệu đồng/tháng. Đối với mỗi ngành, các nhân sự có cơ hội phát triển bản thân và tiến tới giữ các chức vụ quản lý cao hơn trong tổ chức, doanh nghiệp", cô Liên khẳng định.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phi Anh nhìn nhận, cả hai ngành Kinh doanh quốc tế và Kinh doanh thương mại đều hướng đến cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, với các cơ hội việc làm rất rộng mở.
Đối với ngành Kinh doanh quốc tế, sinh viên tốt nghiệp sẽ có cơ hội làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, các công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các vị trí như chuyên viên nghiên cứu thị trường, chuyên viên hoạch định tài chính quốc tế, Marketing quốc tế, tư vấn đầu tư quốc tế; hoặc làm việc tại các công ty xuất nhập khẩu và logistics, các tổ chức nghiên cứu thị trường và truyền thông, các tổ chức tài chính - ngân hàng. Ngoài ra, các bạn có thể làm việc trong các cơ quan chính phủ, các cơ quan phi chính phủ và hiệp hội ngành nghề với các vị trí việc làm liên quan đến kinh doanh quốc tế, xuất nhập khẩu, logistics… hay trở thành những nhà nghiên cứu, giảng viên cho các cơ sở đào tạo về kinh doanh, kinh doanh quốc tế, đặc biệt là ngoại thương.
Trong khi đó, cơ hội việc làm của ngành Kinh doanh thương mại tập trung vào các công việc liên quan đến tổ chức kinh doanh như tìm nguồn hàng, đàm phán hợp đồng, phát triển mạng lưới, tổ chức bán hàng, quản trị danh mục sản phẩm... đảm bảo các hoạt động thương mại được diễn ra hiệu quả, cả trong thị trường thương mại truyền thống lẫn thương mại điện tử, trong nước và quốc tế. Cử nhân Kinh doanh thương mại có thể đảm nhận nhiều vị trí từ thấp đến cao trong nhiều loại hình doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Phạm Thi (Nguồn: giaoduc.net.vn)