Hội Nhà báo Việt Nam, từ đại hội đến đại hội
Sự ra đời Ðoàn báo chí Việt Nam và Ðoàn báo chí kháng chiến - Tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam.
Tháng 4-1943, Tổ Văn hóa cứu quốc, bao gồm các văn nghệ sĩ, nhà báo, được thành lập tại Hà Nội. Ðây là tiền thân của Hội Văn hóa cứu quốc sau này.
Ngày 27-12-1945, gần 100 nhà báo ở Hà Nội họp tại trụ sở Hội Văn hóa cứu quốc (phố Hàng Trống), lập ra Ðoàn báo chí Việt Nam, tách khỏi Hội Văn hóa cứu quốc. Ðoàn gồm tất cả các lực lượng báo chí dân chủ, tiến bộ và của Ðảng Cộng sản. Nhà báo Xuân Thủy trực tiếp chỉ đạo việc thành lập nhưng không trực tiếp công khai lãnh đạo. Nhà báo Nguyễn Tường Phượng, chủ bút Tạp chí Tri Tân được cử giữ chức Chủ tịch. Ông Nguyễn Tấn Gi Trọng, Tổng Giám đốc Nha thông tin tuyên truyền và ông Ðỗ Ðức Dục, phụ trách Báo Ðộc Lập, được cử giữ chức Phó Chủ tịch. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng làm Tổng Thư ký.
Tháng 12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Số đông nhà báo ra chiến khu và tỏa về các vùng nông thôn tham gia chiến đấu. Ðoàn báo chí Việt Nam hầu như không hoạt động được.
Ðầu năm 1947, dưới sự chỉ đạo của T.Ư Ðảng Cộng sản, ông Xuân Thủy đứng ra thành lập Ðoàn báo chí kháng chiến bao gồm tất cả các nhà báo trong Mặt trận Việt Minh do ông Xuân Thủy phụ trách. Ðoàn báo chí kháng chiến tổ chức học tập chính trị, nghiệp vụ cho các nhà báo, hướng báo chí vào việc động viên toàn dân tham gia kháng chiến.
Tháng 4-1949, theo sáng kiến của Bác Hồ, Tổng bộ Việt Minh chủ trương mở lớp viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng. Lớp được tổ chức tại vùng rừng núi Ðại Từ, Thái Nguyên. Lớp được mở trong 3 tháng, từ 4-4 đến 6-7-1949. Hầu hết các học viên của lớp sau này đều đứng đầu các cơ quan báo chí của nước ta.
Hội Nhà báo Việt Nam
Trụ sở chính: số 59 Lý Thái Tổ, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội
Điện thoại: 024 - 3825 3608 - 3825 3609 - 3826 9747
Fax: 024 - 3825 0797
Trụ sở 2: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, Lô E2 KĐT Cầu Giấy, phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.