Tọa đàm tập trung chia sẻ 3 mô hình doanh nghiệp trong Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp Dệt may và Trường ĐH Công thương TP Hồ Chí Minh.
Chiều ngày 14/12, tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Câu lạc bộ Các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công thương (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Phát triển mô hình Doanh nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công thương – Thực trạng và giải pháp”.
Mục đích của tọa đàm là chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình và hoạt động của doanh nghiệp trong trường đại học, cao đẳng; tìm hiểu về hoạt động của doanh nghiệp trong trường đại học, cao đẳng; đề xuất giải pháp cho hoạt động của doanh nghiệp trong trường đại học, cao đẳng thời gian tới.
Các đại biểu tham dự tọa đàm "Phát triển mô hình Doanh nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công thương – Thực trạng và giải pháp". |
Dự tọa đàm, về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, có ông Phạm Ngọc Lan - Trưởng Ban Công tác Hội viên.
Về phía Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công thương, có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Về phía đơn vị đăng cai tổ chức tọa đàm Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Quân – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Bổng – Phó Hiệu trưởng nhà trường; Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiện – Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Cùng dự tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công thương.
Ban Chủ tọa điều hành tọa đàm |
Phát biểu tại tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiện – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khẳng định, việc hình thành các doanh nghiệp trong trường học góp phần quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị từ nhà trường đến thực tiễn; khai thác tốt các nguồn tri thức, công nghệ sẵn có, cung cấp cơ hội hoàn thiện kỹ năng, học tập, phát triển, việc làm cho sinh viên.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiện – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại tọa đàm. |
“Dựa trên năng lực và đặc điểm riêng, các cơ sở giáo dục Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở giáo dục thuộc Bộ Công thương đã chủ động, thực hiện sáng tạo hoạt động doanh nghiệp trong nhà trường. Bằng cách khai thác tốt nguồn nhân lực chất lượng cao hiện có theo định hướng của các doanh nghiệp quốc tế, công ty này đã mang lại những lợi ích to lớn cho cả 3 bên: nhà trường – sinh viên – doanh nghiệp”, thầy Thiện chia sẻ.
Thông qua tọa đàm, Phó Hiệu trưởng nhà trường mong muốn chia sẻ các bài học kinh nghiệm, làm rõ các cơ hội và thách thức trong bối cảnh hiện tại để từ đó đưa ra các giải pháp giúp định hình lại hoạt động của các doanh nghiệp trong tương lai.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công thương cho biết, tọa đàm là cơ hội để các trường đại học, cao đẳng chia sẻ kinh nghiệm về mô hình doanh nghiệp trong nhà trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công thương phát biểu khai mạc tọa đàm. |
“Xây dựng mô hình doanh nghiệp trong trường là mô hình khó. Do đó, thông qua tọa đàm, các đơn vị chia sẻ nhiệt tình để trường đại học, cao đẳng có điều kiện học hỏi và tìm ra mô hình doanh nghiệp trong nhà trường phù hợp với từng cơ sở.
Thực tế, nhiều nghiên cứu khoa học của sinh viên chỉ cần một bước nhỏ nữa để hoàn thiện sản phẩm là có thể đưa ra thị trường thương mại nhưng việc mở doanh nghiệp trong trường đại học có nhiều rủi ro, chưa kể giảng viên cũng quen với dạy học nên không muốn làm kinh tế, mở doanh nghiệp”, thầy Hoàn chia sẻ.
Cũng theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công thương, tọa đàm tập trung chia sẻ 3 mô hình doanh nghiệp trong trường đại học gồm Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những mô hình doanh nghiệp trong trường đại học thành công, là kinh nghiệm để các cơ sở giáo dục học hỏi, nhất là những vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên, thu nhập của giảng viên.
Chia sẻ về hoạt động của doanh nghiệp trong trường đại học, cao đẳng nhìn từ thực tiễn Công ty LETCO thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung – Giám đốc Công ty LETCO cho biết, dù công ty thuộc nhà trường, nhưng Công ty LETCO lại là đơn vị hạch toán độc lập theo luật doanh nghiệp. Công ty LETCO giúp hoạt động của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tìm kiếm, xây dựng những chương trình thực tập nghề nghiệp, giới thiệu việc làm ở trong nước và ở nước ngoài cho sinh viên.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung – Giám đốc Công ty LETCO (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ trong tọa đàm. |
Bên cạnh đó, mô hình doanh nghiệp Công ty LETCO giúp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tập hợp ý kiến phản hồi từ người sử dụng lao động làm căn cứ thực tiễn để nhà trường xây dựng mô hình đào tạo linh hoạt; tham gia tích cực hoạt động đào tạo, đặt hàng để các khoa, trung tâm của trường xây dựng chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu đa dạng của xã hội. Công ty cũng góp phần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao giá trị thương hiệu và đẩy mạnh công tác tuyển sinh của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Cùng chia sẻ về mô hình doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trong trường đại học, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho biết những thuận lợi, khó khăn khi vận hành doanh nghiệp trong Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (doanh nghiệp hoạt động trong trường từ năm 1992 đến nay, tương đối ổn định).
Mô hình doanh nghiệp trong trường có thuận lợi và khó khăn. Trong đó, thuận lợi của mô hình doanh nghiệp trong Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là nhận được hỗ trợ thường xuyên từ giảng viên. Sinh viên có thể thực tập theo đúng đề cương trong môi trường làm việc đáp ứng chuẩn quốc tế, nhiều tình huống thực tế để làm nghiên cứu khoa học, đồ án, bài tập lớn,...
Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội chia sẻ trong tọa đàm. |
Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp trong Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội hiện nay là do doanh nghiệp trực thuộc nhà trường, là đơn vị hành chính sự nghiệp nên không được phép xuất, nhập khẩu trực tiếp.
Việc xuất, nhập khẩu hàng hóa phải thực hiện qua một bên thứ 3 là công ty có chức năng xuất, nhập khẩu. Do vậy, chi phí sẽ mất thêm ít nhất 3-5% sau khi đã thanh toán hết chi phí phát sinh thực tế. Việc đầu tư thiết bị mất nhiều thời gian (thường từ 3-5 tháng). Chưa kể, chi phí khấu hao do nguyên giá thiết bị không được tính khấu trừ thuế giá trị gia tăng.
Về mô hình doanh nghiệp trong Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn cho rằng, việc xây dựng mô hình doanh nghiệp trong trường đại học đối với các trường chưa tự chủ có nhiều khó khăn hơn so với các trường tự chủ.
Để sinh viên sử dụng căng tin thực sự tốt thì dịch vụ phải tốt. Một trường đại học không có căng tin tốt, sinh viên sẽ nghĩ rằng trường đó làm sao có phòng thí nghiệm tốt, sinh viên sẽ dễ lựa chọn trường khác để học. Vấn đề đặt ra là các trường phải sử dụng tài sản công như thế nào?
“Từ năm 2016, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh (trước đây là Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh) manh nha thành lập doanh nghiệp trong trường với mục đích đưa các sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học ra thương mại hóa. Đến năm 2019, doanh nghiệp trong nhà trường được thành lập, thực sự đã đưa tất cả các sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học của trường ra thị trường.
Thời gian gần đây, trên các hệ thống thương mại, trang thông tin đại chúng nổi lên quảng cáo sản phẩm Mì tôm Thanh long – đây là một ví dụ về sản phẩm nghiên cứu, thương mại rất tốt của doanh nghiệp trong Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh", thầy Hoàn chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn chia sẻ trong tọa đàm. |
Thầy Hoàn cho biết thêm, trước đây, khi chưa tự chủ, trung tâm ký túc xá Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh năm nào cũng chi nhiều hơn thu. Nhưng từ khi thực hiện cơ chế tự chủ, nhà trường yêu cầu trung tâm phải tự thu, tự chi và mỗi năm nộp lại trường một khoản nào đó.
Nhờ vậy, doanh nghiệp và trung tâm tương tự của trường hoạt động rất hiệu quả. Bên cạnh đó, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh còn mời được nhân tài về làm việc nhờ mở doanh nghiệp, trung tâm trong trường.
Tiến sĩ Hoàng Hùng Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh thảo luận trong tọa đàm. |
Trong phần thảo luận, đồng tình với những chia sẻ về mô hình doanh nghiệp trong trường, Tiến sĩ Hoàng Hùng Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh bày tỏ, trong bối cảnh thực hiện tự chủ hiện nay, việc thành lập doanh nghiệp trong trường đại học, cao đẳng phải đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đời sống và thu nhập cho cán bộ giảng viên.
Tuy nhiên, với cơ chế hiện nay, làm doanh nghiệp trong trường đại học, cao đẳng rất rộng, trường vừa làm vừa "run" vì làm không đúng sẽ dễ bị “tuýt còi”.
Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm “Phát triển mô hình Doanh nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công thương – Thực trạng và giải pháp”:
Quang cảnh tọa đàm |
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công thương chụp ảnh cùng lãnh đạo của các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công thương. |
Ngọc Mai (Nguồn: giaoduc.net.vn)